Lao động nước ngoài làm thuyền viên được phép bốc dỡ cá, bán cá bị phạt tối đa 15 vạn Đài tệ

Trong những năm gần đây, có thông tin cho rằng do nội dung công việc của lao động di cư làm thuyền viên không nêu rõ được phép hỗ trợ bốc dỡ cá, nên nhiều chủ tàu không dám yêu cầu lao động di cư thực hiện việc này. Để giải quyết vấn đề, Bộ Lao động Đài Loan vừa ra thông báo giải thích, chỉ rõ rằng lao động di cư làm việc trong ngành nghề thủy sản được phép hỗ trợ bốc dỡ cá, phân loại cá ngay tại cảng, nhưng không được thực hiện các công việc liên quan đến bán cá, chế biến, đóng gói, hoặc niêm yết giá. Nếu vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị phạt từ 3 vạn đến 15 vạn Đài tệ theo quy định của Luật Dịch vụ Việc làm.

Theo thống kê, Đài Loan đã nhập khẩu 12.671 lao động di cư làm thuyền viên thông qua Luật Dịch vụ Việc làm, tập trung chủ yếu tại Tân Bắc, Nghi Lan và Bành Hồ. Phần lớn lao động di cư làm việc trong lĩnh vực đánh bắt gần bờ. Trước đây, có nghị sĩ chỉ ra rằng do không có quy định rõ ràng, nhiều chủ tàu không dám yêu cầu lao động di cư bốc dỡ cá.

Bộ Lao động giải thích rằng, nội dung công việc của lao động di cư ngành thủy sản bao gồm các công việc của thuyền viên (trừ thuyền trưởng), như hỗ trợ vận hành tàu, bảo trì máy móc, đánh bắt cá và xử lý sản phẩm thủy sản. Khi tàu neo đậu tại cảng, lao động di cư có thể hỗ trợ bốc dỡ cá, phân loại sản phẩm ngay tại cảng, nhưng không được thực hiện các công việc liên quan đến bán sản phẩm thủy sản, như chế biến, đóng gói, trưng bày hoặc niêm yết giá.

Ông Tô Dụ Quốc, Trưởng phòng Quản lý lao động xuyên quốc gia của Cục Phát triển Lực lượng Lao động, Bộ Lao động, cho biết thông báo lần này quy định rõ ràng rằng lao động di cư không được phép tham gia vào các công việc chế biến hoặc đóng gói sản phẩm thủy sản với mục đích bán hàng. Do đó, lao động di cư không thể hỗ trợ bán hàng tại chợ cá, nhưng có thể hỗ trợ bốc dỡ cá tại cảng hoặc thực hiện phân loại đơn giản. Nếu người sử dụng lao động yêu cầu lao động di cư làm việc ngoài phạm vi được phép, họ sẽ bị phạt từ 3 vạn đến 15 vạn Đài tệ và có thể bị hủy bỏ quyền sử dụng lao động, đồng thời bị hạn chế đăng ký tuyển dụng lao động mới.

Ngoài ra, thông báo lần này cũng nêu rõ, lao động di cư làm việc trong ngành nuôi trồng thủy sản (sử dụng lồng lưới) có thể hỗ trợ bốc dỡ cá, phân loại sản phẩm, sửa chữa ngư cụ, cung cấp vật tư cho tàu cá khi neo đậu tại cảng, và thực hiện các công việc liên quan như thả giống cá, cho ăn, giám sát môi trường nuôi trồng và bảo trì lưới nuôi.